40 năm nhớ núi

Lần đầu nghe tên là năm 1979. Hồi đó đâu biết rồi sẽ “gặp”, sẽ “gắn”, sẽ “quắn”, sẽ nhớ thương. 

Rảo bước và dừng chân trước nhà trọ Bình Dân (trên đường Lê Hồng Phong, TP Kon Tum, góc chợ nhỏ Kon Tum cũ) của ngày 1979, đứng trên đất xưa của tổ tiên, lục tìm lai lịch đất và người.
Trong “Đại Nam thực lục chính biên” ghi rõ vùng đất này-Kon Tum-nói riêng và 5 tỉnh cao nguyên Trung phần nói chung chưa bao giờ thuộc Đại Nam (tên nước thời Nhà Nguyễn). Hồi đó vua hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá thường cống nạp cho Nhà Nguyễn. Điều đó có nghĩa đất này xưa là của người bản địa.
Cho đến năm 1851, năm thầy Phó tế Nguyễn Do lên Kon Tum, đất này vẫn là của người bản địa.
Kon Tum thuộc về nước Việt chỉ khi người Pháp vào Việt Nam và chính người Pháp đã quy hoạch xứ này.
Người Kon Tum không kể 6 tộc người bản địa thì có lẽ dân Bình Định đến đầu tiên. Họ là giáo dân Cơ đốc, theo chân các nhà truyền giáo Cơ đốc, trốn Nhà Nguyễn truy lùng; sau đó có lẽ là dân Quảng Ngãi và dân Thừa Thiên.

Vì xuất xứ dân khai phá như vậy nên có lẽ dân Kon Tum có tính rừng như người bản địa: Hiên ngang, độc lập, kiên cường và quả cảm.

Tiền nhân đặt tên địa danh rất luyến cảm, nào Phương Hòa, Phương Nghĩa, Phương Quý. Dân dã cũng có những tên rất mộc như Gò Mít, xóm Huế, xóm Lò Heo, xóm Lưới, xóm Võ Lâm.
Người đến Kon Tum để lại dấu ấn sâu nặng phải kể đến: (1) Linh mục Dourisboure, tác giả cuốn “LES SAUVAGES BAHNARS” (bản dịch tiếng Việt là “Dân Làng Hồ”); (2) Anh em Bác sỹ Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, tác giả cuốn “Mọi Kon Tum”, xuất bản năm 1938; (3) Quản đạo Võ Chuẩn, người được thờ tại đình Võ Lâm, TP Kon Tum và (4) Tuần vũ Hà Ngại, tác giả cuốn “Khúc tiêu đồng”. Thắc mắc là đến khi nào mới có tên đường, tên trường của những tiền nhân vì Kon Tum như vậy? Đi trên đường Trần Phú, sực nhớ công thầy Phó tế Nguyễn Do đã mở đường này, tự hỏi sao đường này không là tên Nguyễn Do. Lấy tên người đặt tên đường không ngoài mục tiêu nhắc nhở hiện sinh/hậu thế tri ân tiền nhân, đúng như truyền thông Việt tộc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”.
Vậy đó, một giấc thoảng đã 40 năm. Diễm phúc rảo bước sớm cao nguyên Kon Tum, mà đúng hơn là “đồng bằng trên cao” như nhận định của Henri Maitre trong cuốn “Rừng người Thượng” (nguyên bản tiếng Pháp là “Les Jungles Moï”), lan man nhớ. Nơi đây, ngày 1979 còn đầy làng người Bahnar; họ lập làng dọc sông Đăk Bla; ký ức vẫn in đậm những nhà mồ lộ thiêng (không táng) chỗ xóm Lò Heo và dọc đường lên Phương Quý. Ký ức vẫn đậm tên làng Plei Tơ Ngia, Kon Rờ Bàng, Kon Hra Chot, Kon Sơ Lam. Nơi đây, đã từng in dấu của đôi son trẻ, của thằng lớn và hiện vẫn in dấu của họ tộc/thân hữu cũng như ngũ hải. 

Sớm rảo bước chốn xưa, lục tìm miền mạt na và nhớ…

Ơi miên man miền nhớ!