Đêm xoang Tây Nguyên: Thơ, nhạc và tác giả.

Tình cờ thưởng nhạc “Đêm xoang Tây Nguyên” mới háo hức đi tìm tác giả. Trên mạng bảo đó là nhạc Nguyễn Cường.  Nguyễn Cường (https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Cường) là tác giả của những ca khúc về dải đất cao nguyên miền Trung này cuối thế kỷ XX. Tìm tiếp. Thấy bài thơ “Đêm xoang Tây Nguyên” là của Đào Phong Lan (http://daophonglan.vnweblogs.com/), sáng tác năm 1995 khi vừa tròn 20 tuổi tại Pleiku (http://www.pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/pleiku-xua-va-nay/dem-xoang-tay-nguyen-nhung-vui-buon.html). Đào Phong Lan sinh tại Pleiku. Cùng với Vũ Hữu Định, Đào Phong Lan là một trong số thi sỹ hiếm hoi khắc họa Pleiku; chỉ khác là nữ thi sỹ khắc họa hình ảnh tộc người bản địa, cụ thể là người Jarai. Nguyên văn bài thơ “Đêm xoang Tây Nguyên” là đây:

Đêm xoang Tây Nguyên

Đào Phong Lan; 1995

Đêm chung chiêng
Nhà rông bập bùng ánh lửa
Cô gái Jarai hát câu gì không rõ
Trăng lên…
Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em
Vít cần
Anh không dám uống
Điệu xoang nhịp nhàng
Vòng người sóng sánh
Anh cứ sợ mình lạc mất nhau thôi.
Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi
Cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức
Những bàn chân trần trên đất
Lướt đi rộn rã
Bồi hồi
Sao Hôm đỏ mắt
Tây Nguyên ơi
Và mắt em thắp lửa
Đêm nay rượu cần mưa đổ
“Cang” thứ ba rồi
Anh tỉnh như say.

 

Bài thơ này được Nhạc sỹ Văn Chừng phổ nhạc ngay sau đó (http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/dem-xoang-tay-nguyen-tui-hat.dvE8dDPeuP2o.html). Nội dung bài hát chép từ bản nhạc như sau:

Đêm xoang Tây Nguyên

Nhạc sỹ Văn Chừng phỏng thơ Đào Phong Lan cùng tên

Những bàn chân, bàn chân trần trên đất

Lướt đi rộn rã, bồi hồi

Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi

Cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức.

Đêm trong veo, trong veo

Nhà rông bập bùng ánh lửa.

Cô gái Jarai hát câu gì, hát câu gì mà trăng nhô lên.

Hê hê

Nhà rông bập bùng ánh lửa.

Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em.

Anh vít cần, vít cần mà không dám uống

Điệu xoang nhịp nhàng,

Dòng người sóng sánh

Anh cứ sợ, cứ sợ mình lạc mất nhau thôi.

Hê hê

Nhà rông bập bùng ánh lửa.

Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em.

Anh vít cần, vít cần mà không dám uống

Điệu xoang nhịp nhàng,

Dòng người sóng sánh

Anh cứ sợ, cứ sợ mình lạc mất nhau thôi.

 

Phải công nhận Nhạc sỹ Văn Chừng chỉ dựa vào đoạn chính của bài thơ mà phổ nhạc và đã thổi hồn bản địa vào bài thơ.

Nghe bài hát mà háo hức về dự đêm xoang của các tộc người bản địa dải cao nguyên miền Trung đối với ai từng sống nơi ấy.

Nghe bài hát mà muốn đến xem múa xoang là thế nào, muốn múa xoang cùng, muốn thưởng rượu cần đối với ai chưa từng đặt chân lên nơi đây.

Nét tài hoa, xuất thần của vị nhạc sỹ là ở điểm này.

Vậy mà ai đó “vô tình” đánh tráo tác giả, thay vì Văn Chừng thì gắn cho Nguyễn Cường.

Văn Chừng tên thật là Trần Văn Chừng, sinh năm 1938, quê Bình Định, mất năm 2006, là một nhạc sỹ quân đội. Các ca khúc của ông thường gắn với dải đất miền Trung.

Phải chăng sự gán ghép này là do Nguyễn Cường quá nổi tiếng với các ca khúc về Cao nguyên Trung phần còn Văn Chừng thì chưa có tên trên https://vi.wikipedia.org/wiki/?