Giỗ chạp
1. Không biết giỗ chạp bắt đầu từ thời nào nhưng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”[1] và “xưa bày nay làm”[2] thì con dân Việt giỗ người đã khuất vào ngày mất theo âm lịch.
2. Giỗ người mất thường gồm tuần 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày và 100 ngày; sau đó là giỗ hằng năm. Giỗ thì theo nhuần còn tuần thì theo tháng, tức là nếu năm đó có nhuần thì làm tuần cứ đếm ngày mà làm còn giỗ thì đến đúng ngày mất mà cúng.
3. Thường thì giỗ cha mẹ, giỗ ông bà nội ngoại, giỗ ông bà cố, giỗ ông bà cao còn từ đời thứ 6 về trước thì gộp chung vào giỗ tổ tiên tức là giỗ ông tiền hiền hay thủy tổ của dòng họ đó và thường là giỗ dòng họ nội.
4. Giỗ chạp là lễ tưởng nhớ người thân đã khuất và đồng thời là dịp để con cháu tụ về, gặp gỡ và quắn quyện tình thân. Ngày nay xã hội Việt Nam không còn là xã hội thuần nông nữa nên dịp giỗ chạp nói riêng và dịp hiếu hỉ nói chung là dịp để họ tộc tứ xứ tụ gặp. Vậy có thể ví von giỗ người chết là đoàn kết người sống.
5. Dẫu xã hội thay biến gì đi nữa nhưng tập tục thờ cúng tổ tiên là tập tục tốt đẹp của người Việt, là di sản phi vật thể mà tổ tiên truyền lại cho con cháu. Ngoài giỗ dòng họ, người Việt còn giỗ làng nước như lễ bái đình, thần hoàng, các tổ nghề và giỗ cấp nhà nước như giỗ tổ các vua Hùng. Dẫu là giỗ cấp nào nhưng “cây có cội, nước có nguồn”[3], “con chim có tổ, con người có tông”[4] thì nên thu xếp để dự và gặp gỡ họ tộc. Quý thay giỗ chạp!
Ghi chú:
1. [1], [2], [3] và [4] là tục ngữ, truyền ngôn của Việt tộc.
2. Trong ảnh là họ tộc nội ngoại nhà Nguyễn nhân giỗ ông ngoại tôi vào 6 tháng 7 âm lịch (27/8/2017) tại thôn Minh Khánh, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ ngày giỗ này mà lần đầu tiên các chị con cậu Ba tôi ở Hà Nội và Sài Gòn (cậu mợ đã mất) về ăn giỗ và gặp đủ hai cô mình.
Bài viết liên quan:
Giá trị của kí lịch sử “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”
“Thương nhớ ngàn xưa”, kí tình yêu & hôn nhân của Bác sĩ gia đình, Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An
Điểm biên khảo “Ngày ấy Kon Tum”
Lan man “Ngày Sách 2021”
Cô đơn
Gia Định hoài niệm