Chữ Hán

Dẫn,

Thuộc thế hệ hậu sinh và sơ học nhưng như một xui định nên luôn tìm cội nguồn Việt tộc…

Thuở nhỏ học sử và cho đến bây giờ vẫn biết triều nhà Hán bên Tàu bắt đầu từ Hán Cao tổ Lưu Bang (https://vi.wikipedia.org/wiki/Hán_Cao_Tổ), tức nhà Hán chỉ kéo dài 400 năm (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220) mà lịch sử Tàu thì ngót nghét 5000 năm; theo đó nước Việt bị Bắc thuộc lần thứ nhất vào năm 111.

Hán là ai? Chữ Hán có từ thời nào và tại sao lại gọi là chữ Hán?”  Hỏi, hỏi hoài…, và nay đã có người trả lời. Thiên hạ quan tâm thì mời đọc tiếp.

Lời người giải thích.

Trước hết phải nói rằng câu hỏi “Hán là ai? Chữ Hán có từ thời nào và tại sao lại gọi là chữ Hán?”  rất có ý nghĩa, rất quan trọng. Có thể nói khi chưa trả lời được câu hỏi đó, chúng ta chưa hiểu về dân tộc!

Lịch sử, văn hóa là hoạt động xã hội của cộng đồng người. Muốn hiểu văn hóa, lịch sử của một cộng đồng, cần phải biết cộng đồng ấy là ai, có quá trình hình thành ra sao? Người Hán không phải là ngoại lệ.

1. Người Hán là ai?

Hạng Võ và Lưu Bang cùng là người nước Sở. Vào thời Thương, đó là nước Dương Việt. Tổ tiên người Dương Việt từ 9000 năm trước làm nên văn hóa Giả Hồ, văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn… và tạo nên trung tâm kinh tế văn hóa lớn của người Việt ở đồng bằng Trong Nguồn. Xa hơn nữa, người Giả Hồ, Ngưỡng Thiều là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên từ 40.000 năm trước. Năm 2698 khi họ Hiên Viên xâm lăng Nam Hoàng Hà lập nhà nước Hoàng Đế, một bộ phận người Việt từ đây chạy về Nam, làm nên tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam hôm nay. Dấu tích việc này là câu ca: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra. Những người ở lại thành lập nước Dương Việt tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài để tồn tại tới thời Thương. Sau đó liên kết với nhà Chu, đánh bại nhà Thương, thành lập nước Sở. Sở mạnh lên, trở thành bá chủ Trung Nguyên.

Quê Lưu Bang gần sông Hán Thủy nên khi phong vương cho Lưu Bang, Hạng Võ đặt là Hán Vương. Diệt nhà Tần, Lưu Bang lập nhà Hán. Rồi từ đây có nước Hán, người Hán. Sử ký nghi; “Sở Việt đồng tông đồng tộc.” Như vậy, người Hán là hậu duệ của người Lạc Việt đi lên khai phá Trung Nguyên từ hàng vạn năm trước. Thực ra không có Hán tộc mà chỉ có cư dân Nhà Hán nhưng do gọi mãi thành quen.

2. Chữ Hán từ đâu ra?

Truyền thuyết nói rằng, Hoàng Đế sai Thương Hiệt làm chữ. Nhưng không có chuyện này vì tới thời Hạ, Trung Quốc chưa có chữ. Chỉ vào năm 1300 TCN, khi vua Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Việt ở Hà Nam thì nhà Ân mới có chữ. Vậy chữ từ đâu ra? Khảo cổ học cho thấy, tại văn hóa Giả Hồ 9000 năm trước phát hiện chữ viết đầu tiên gọi là Giáp cốt văn mà một số chữ còn dùng đến ngày nay. Giáp cốt văn còn được tìm thấy ở Bán Pha (Sơn Tây), Lương Chử (Chiết Giang), Cảm Tang (Quảng Tây)… Chữ của người Việt từ Cảm Tang được dưa lên An Dương dùng để bói toán và cúng tế. Khi chiếm đất này, nhà Ân học chữ Việt và phát triển lên rồi được nhà Chu nâng cấp viết trên thẻ tre, lụa. Nhà Tần chuẩn hóa thành chữ Triện, Lệ…Như vậy, chữ của người Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. Khi nhà Hán lớn mạnh, chữ vuông được gọi là chữ Hán. Một bằng chứng không thể phản bác là cuốn Thuyết văn giải tự, cuốn từ điển đầu tiên của Trung Quốc, chính là sách chỉ dẫn cách đọc tiếng Việt cổ bởi cho tới đời Hán thì dân Hán vẫn đọc chữ vuông theo tiếng Việt cổ. Ông Đỗ Ngọc Thành, người Việt gốc Triều Châu, một người rất rành về ngôn ngữ Hoa – Việt khẳng định: “Chữ vuông được làm ra là để ghi âm tiếng Việt cổ. Mọi chữ vuông chỉ khi đọc bằng âm Việt cổ và giải bằng nghĩa Việt cổ mới chính xác.”.

Do triều đại Nhà Hán kéo dài đến 400 năm-dài nhất trong lịch sử Trung Hoa nên gọi chữ vuông là chữ Hán có lẽ là bắt đầu từ triều đại đó.

Sài Gòn, 19.8.2018

Hà Văn Thùy

Bạt,

“Biển học vô bờ”, tổ tiên bảo thế. Tìm cội nguồn Việt tộc lại càng cam go bởi bụi thời gian, lịch sử và nhân thế che lấp. “Tìm thì sẽ gặp” (Tân ước), những mong cao nhân góp tích.