“Thương nhớ ngàn xưa”, kí tình yêu & hôn nhân của Bác sĩ gia đình, Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An
Nhà sách Sông Trà, 28/9/2023; Hà Lê Sa, Quản thư.
1.
Xưa nay, thường người ta viết truyện, biên khảo về tình yêu & hôn nhân chứ hiếm khi kí. Kí là một thể văn học, lồng giữa tự sự và thế sự nên kí thường gợi cho độc giả cảm thức cá nhân và bay bổng.
“Thương nhớ ngàn xưa” là kí về tình yêu và hôn nhân của Bác sĩ gia đình, Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An vừa xuất bản, hợp tác giữa Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và công ty núI ấN sôNg trà (INN), TP.HCM. Dựa trên cuộc tình đầy thử thách trên 30 năm của một bác sĩ trải đời và trải nghề, với nếp xử ‘thiên hạ là nhà’ (trang 28), tác giả khơi gợi mọi chuyện quanh tình yêu & hôn nhân mà theo tác giả thì đó là kết quả của ‘vô lượng đời’ (trang 117).
2.
Tác giả bảo, 100 năm trước thì Việt tộc không có li dị nhưng bây giờ tỉ lệ bỏ nhau là 25%; tính ra, cứ bốn uyên ương trong đời thì một đôi rã? Đau đớn không? Đâu là văn hóa Việt tộc? Đâu là văn minh Việt hòa nhập dòng thế giới? “Thương nhớ ngàn xưa” đã lí giải và nêu chứng lí thực tế đó.
3.
Trong tiêu đề 48 kí tại ‘Mục lục’ mà tác giả đặt tên là ‘Dòng Yêu’, có 7 tiêu đề chứa chữ ‘tình’ và có 7 tiêu đề chứa chữ ‘yêu’ (trang 5 – 6); mới mỗi tiêu đề thôi đã cho thấy ‘tình yêu’ dán chặt trong sách.
Tác giả định nghĩa về ‘tình’ và ‘tình yêu’:
‘Tình là tấm lòng dành cho tha nhân.
Tình yêu (chữ Nho là 愛情, chữ Anh là love) là tình dành cho tình nhân.’ (trang 97).
Hãy đọc:
‘Mình bảo với Đào Duy An Quảng yêu là khi khó thì mẹ bên ba và khi có thì ba bên mẹ.
Anh bảo yêu là dâng hiến cho nhau.’ (trang 98).
Tác giả định nghĩa về ‘hôn nhân’ và ‘thiện tính của hôn nhân’:
‘Hôn nhân (chữ Nho là 婚姻) là hôn nhau dài lâu và hợp pháp.
Hôn nhân là tác tạo những đứa con với khát khao dâng hiến, là trách nhiệm của uyên ương với đời.’ (trang 99).
Tác giả hay lặp lại cụm ‘tình yêu và hôn nhân’:
‘Tình yêu và hôn nhân, trong mắt anh, thật đơn giản: yêu và yêu; khi đã chọn thì hãy xây và sửa; chả có gì hoàn hảo thuở đầu cả.’ (trang 46).
‘Tình yêu và hôn nhân là cốt lõi nhân sinh. Gái trai tìm gặp nhau để xem có hợp nhau không là cần kíp như ngày trước để cưới được vợ thì phải ở rể ba năm.’ (trang 86).
‘Tình yêu và hôn nhân là cội rễ nhân gian mà mỗi uyên ương phải chăm để xanh cây đời, vàng quả nhân gian và theo đó cõi lung linh.’ (trang 117).
…
Chỉ với chừng đó chữ, tác giả đã khắc được ‘tình yêu và hôn nhân’ theo nghĩa kí vì mấy ai dám trả lòng ta để thỏa mong thiên hạ.
Suốt 128 trang, tác giả nhắc mọi chuyện nhân sinh như làm người, làm ăn, làm vợ, làm chồng cũng như bàn về xung đột hôn nhân thông qua trích dẫn tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt triết), trí khôn nhân loại (suy tư của các triết gia, Phật giáo và Thiên Chúa giáo…) để trong 3 phần mà tiêu đề lại thi mỹ:
– Ngày Yêu, thề nguyện của nhau
– Đời Yêu, hẹn ước ngàn sau thiếp chàng
– Vạn con đường chỉ có ở trăm năm.
Tác giả giới thiệu sách chủ đề tình yêu & hôn nhân từ ngàn xưa đến nay do tác giả khắp nơi viết:
“Sách giúp hôn nhau nồng sâu như “Tố nữ kinh” của các đạo sĩ người Tàu Nhà Đông Hán, “Kama Sutra” của Triết gia người Ấn Độ Vatsyayana viết thế kỉ III, “Thọ khang bảo giám” Tu sĩ người Tàu Thích Ấn Quang soạn ngày 1927, “Thuật yêu đương” Tác gia miền Nam Nguyễn Duy Cần xuất bản ngày 1961, “Tại sao tình dục lại thú vị” Dịch giả Nguyễn Thủy Chung dịch cuốn “Why is Sex Fun? The Evolution of Human Sexuality” của Tác gia người Mĩ Jared Diamond xuất bản ngày 1997, Tình dục thuở hồng hoang Dịch giả Lê Khánh Toàn dịch cuốn “Sex at Dawn: How We Mate, Why We Stray, and What It Means for Modern Relationships” của Tiến sĩ người Mĩ Christopher Ryan và Bác sĩ người Ấn Độ Cacilda Jethá xuất bản ngày 2010.” (trang 100 – 1)
4.
Điều đặc biệt, tác giả là bác sĩ gia đình và là thạc sĩ nội khoa nên bàn về sức khỏe tình dục cũng như lồng kiến thức y học vào kí; với tác giả, không thể có tình yêu & hôn nhân viên mãn nếu thân, tâm và trí không khỏe: “Y học thống kê ai có nhiều cơn trào dục thì ít bị đột quỵ, bệnh tim mạch và thọ hơn. Cơn trào dục phóng thích các nội tiết tố tốt vào máu, giúp khoan khoái hơn, bình thản hơn và giảm kích xúc (chữ Anh là stress). Các nội tiết tố là dopamin (gầy cảm giác mãnh liệt về thưởng lãm, ham muốn và vui sướng), morphin nội sinh (gầy hưng phấn và giảm căng thẳng), oxytocin (‘nội tiết tố tình yêu’, gầy yêu và gắn bó), prolactin (đóng vai trò gắn bó và khiến thỏa mãn sau cơn trào dục) và serotonin (giúp chỉnh tâm trạng, thèm ăn và giúp ngủ).” (trang 113)
Độc giả đọc chậm, đọc kĩ sẽ thấy những thú vị y khoa khác như nội tiết tố T3 vốn là viết tắt tên nhân vật chính trong “Thương nhớ ngàn xưa”, sẽ thấy tầm trọng của tình yêu & hôn nhân như T3 đối với cơ thể.
5.
Tác giả ‘nhấm nháp tình yêu và hôn nhân vị bác sĩ để nhâm nhi cội rễ nhân gian’ (trang 2) còn độc giả hãy đọc “Thương nhớ ngàn xưa” theo cách của mình. Quản thư thì thấy tác giả đã làm được điều mong mỏi là “Thương nhớ ngàn xưa” giúp ‘cho ai đó kém may để đỡ đói tình yêu, đỡ khát hôn nhân’ (trang 2).
Sách in màu, chữ màu xanh rêu cỡ 12, lồng vài hình cảnh thực của Kon Tum, Đắk Lắk và TP.HCM – 3 nơi gắn với tác giả và “Thương nhớ ngàn xưa”.
Hãy cùng tác giả “thương nhớ ngàn xưa”!
Bài viết liên quan:
Giá trị của kí lịch sử “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”
Điểm biên khảo “Ngày ấy Kon Tum”
Lan man “Ngày Sách 2021”
Cô đơn
Gia Định hoài niệm
Mùa xuân Canh Tý: Phẩm tiết Việt nữ