Quên
Cho ngày xứ Lạng thương nhớ.
Tân Thanh 19/01/2007;
Cây Quéo 11/3/2014;
Đào Duy An
– Thưa em, anh quên mà. Chả là lúc ấy anh ngẩn ra. Anh quên thật mà!
– Gớm, sao mà anh nỉ non thế? Chết phụ nữ chúng em mất…
– Không, phụ nữ chỉ sống tốt và đẹp hơn, hài lòng hơn nếu anh như thế bởi em biết phụ nữ đẻ cả thế giới này. Họ xứng đáng tôn vinh, họ có vị trí cực kỳ quan trọng trong trái tim con người đặc biệt là đàn ông. Ngày xưa, ai đã từng bú mẹ? Ngày nay, chắc hẳn có bao người hất hủi mẹ già…?
– Sao anh hay nói về mẹ thế? Với phụ nữ anh không sợ…
– Em, mẹ đã gởi cả thời con gái trong tuổi thơ và tuổi trẻ của anh. Những dòng thơ tặng em có giọt mồ hôi của mẹ đấy. Những lời từ tim anh có tình yêu của mẹ đấy. Em có nghe con tim mẹ đang rộn ràng bên em không?
– Tán!
– Em có biết không, người đàn ông không quý mẹ thì họ thực tình không yêu bất cứ phụ nữ nào cả; nếu em có người đàn ông như vậy thì họ chỉ sở hữu mà không hề yêu em tự tâm thức và như thế đời mong manh em sẽ tựa vào ai hả bé con? Anh biết em có trái tim người mẹ, em sẽ không ghen với mẹ… Có tình yêu nào giống tình yêu nào đâu dầu đều là tình yêu?
…
– Anh quên thật mà!
– Anh quên không phải do vô tâm mà bởi ngay lúc ấy cảm giác ngọt ngào mê mẩn lan tỏa trong anh. Anh chưa bao giờ được chăm sóc như thế…như thể anh là thằng bé…như thể em là mẹ anh!
– Ấy, sao lại rủa em già? Ế chết!
– Rồi ai cũng chuyển kiếp…, rồi tất cả đều cỗi. Mắt sẽ mờ, răng sẽ yếu và hình ảnh đẹp trong sát na này sẽ và đang lùi vào ký ức. Hãy biết già để mà trẻ! Anh yêu em như thể tình yêu dành cho mẹ. Đứa bé sớm lạc dòng Ngân Hà nên khát nhân gian…, thèm một ánh trìu mến, thèm một vì sao sa. Anh tôn vinh chứ có ý gì khác đâu!
…
– Lắm cô “má đỏ môi hồng” ở nơi lộng gió và vàng dã quỳ thương nhớ thế, sao anh lại đi tương tư con sông Kỳ Cùng ở mãi xó Bắc núi này?
– Người đẹp thì vô cùng, người đời thì mê mải. Anh không có thói quen so đo. “So bó đũa chọn cột cờ” chứ chẳng ai đem Tây Thi mà so với Điêu Thuyền cả. Đào hồng má người con gái Bắc; mai lấp lánh trong mắt cô nàng Nam bộ, dã quỳ vàng “em Pleiku”. Cả thảy đều hoa mà. May mắn anh có mặt trong cõi tạm này để thưởng hoa.
– Vâng thì anh quên nhưng quan trọng gì đâu, em vẫn thường thế mà. Trời rét, em sợ anh không chịu được lúc về. Anh phong phanh quá. Anh có quen với bốn mùa của Hà thành đâu mà mong manh thế?
– Em biết không, anh thường nhớ ngày xưa. Sát na đây sẽ là ngày xưa của sau cuộc nhân duyên này. Em vẫn biết chuyện Robinson trời Âu mà. Con người cô đơn thì ước ao một tiếng người bất luận ngôn ngữ và mục tiêu, ấy vậy mà ở giữa biển người thì chính những con người đó xử sự giống như sói xâu xé nhau loại bỏ nhau và loại bỏ cả mình. Mâu thuẫn là ở chỗ quên này đấy, “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” ạ.
– Nhưng mà chỉ có quên một lời thôi sao anh day dữ thế?
– Em biết, chỉ vì quên tiếng mẹ đẻ mà thành ra người lưu vong trên quê hương. Chỉ vì quên lịch sử mà thành ra người nước ngoài gốc nước trong. Chỉ vì quên ngày xưa mà nay thành ngày khổ. Chỉ vì quên dạy chữ hiếu trong sách giáo khoa mà thành hàng mấy thế hệ quên “công cha nghĩa mẹ ơn thầy” và có lẽ vì vậy mà hiện nay báo chí đang làm cái loa cảm ứng loan nhiều tin tầm phào và phi nhân bản…Với anh, thiên hạ cũng vì quên cảm ơn mà thành thiên lôi…
– Nhưng mà anh có quên đâu?
– Không, dẫu sao thì anh phải tự thú là anh đã quên đúng khắc quan trọng. Anh sợ con tim nhạy cảm của ai đó sẽ đượm buồn vì lại như bao người khác. Người ta không cảm ơn nhau vì diễm phúc gặp nhau trong đời, người ta không cảm ơn nắng thiên thanh làm xanh mắt ngọc, không nhớ phố Kỳ Lừa se se cho má ửng hồng.
– Anh cảm ơn em!
…
– Em, có một thứ mà bây giờ anh mới nói:
“Mưa xuân Đông Kinh mơ,
mang cả trời nhung nhớ,
Đường xa bao khát vọng
vỗ về…
Em-Tình thơ!”.
Bài viết liên quan:
Giá trị của kí lịch sử “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”
“Thương nhớ ngàn xưa”, kí tình yêu & hôn nhân của Bác sĩ gia đình, Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An
Điểm biên khảo “Ngày ấy Kon Tum”
Lan man “Ngày Sách 2021”
Cô đơn
Gia Định hoài niệm