Chuyện người chăn trâu Đàng Trong kỳ dị

Một nén nhang lòng thành kính ông!

Cây Quéo 14/10/2015; Đào Duy An                                                                                              

Lời dẫn

Nhà Hậu Lê (1428-1789) [1] sau thời kỳ phát triển rực rỡ dưới thời vua Lê Thánh Tông [2], mở rộng bờ cõi Đại Việt [3] đến Phú Yên thì bị Mạc Đăng Dung [4] cướp ngôi năm 1527. Nguyễn Kim [5], một danh tướng Đại Việt Triều Lê sơ, là người đặt nền móng gây dựng lại Triều Lê, khởi đầu thế Nam-Bắc Triều (1533-1592). Sau khi Nguyễn Kim mất, con rể là Trịnh Kiểm [4] thâu tóm quyền hành, lấn át các vua Lê. Trước nguy cơ bị anh rể sát hại, Nguyễn Hoàng [7] đã nhờ chị ruột mình là bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ ở Thuận Hoá (nay từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ) và theo đó trong lịch sử nước Việt định hình danh xưng Đàng Ngoài [8] và Đàng Trong [9]. 

Trong bối cảnh Đại Việt nhiễu nhương một người hiền xuất hiện và góp phần định hình, mở mang bờ cõi Đàng Trong, đó là Đào Duy Từ (1572-1634) [10].

Thời trai trẻ lận đận

Ông sinh ra tại làng Hoa Trai, xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh GiaThanh Hoa
(nay là làng Giáp Nỗ, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) [10, 11, 12]. Cha là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong Triều Hậu Lê. Một hôm nhân lúc nổi hứng Đào Tá Hán làm thơ ca ngợi Chúa Trịnh Kiểm, trong đó nêu tên Chúa nên bị quy là phạm thượng, bị phạt 20 roi rồi đuổi về làm dân thường [12, 13, 14]. 

Nhờ có tài đàn hát nên Đào Tá Hán đi theo một gánh hát để kiếm sống và ít lâu sau đã trở thành kép hát nổi tiếng khắp vùng. Ông lấy Vũ Thị Kim Chi và hơn một năm sau thì sinh Đào Duy Từ. Khi Đào Duy Từ được 5 tuổi thì cha bị bệnh mất [13, 14], mẹ ở góa, nuôi cho con ăn học.

Ngay từ nhỏ Đào Duy Từ đã nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Năm 14 tuổi ông học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa. Thầy khen tài học của Đào Duy Từ nhưng tiếc là ông con nhà xướng ca nên không được đi thi [14]. Tục lệ Triều Hậu Lê cho xướng ca là “vô loại”, phàm con cái những người làm nghề hát xướng đều cấm ngặt không được đi thi [14].

Gần đến kỳ thi Hương bà Vũ Thị Kim Chi  đút lót cho viên xã trưởng là Lưu Minh Phương để nhờ đổi sang họ mẹ cho con thành Vũ Duy Từ, mong sao con được dự kỳ thi Hương sắp tới. Viên Xã trưởng thấy người vợ góa của Đào Tá Hán có nhan sắc nên nhận lời và ra điều kiện là nếu xong việc thì phải lấy ông ta [12, 13, 14]. 

Ông đã dự khoa thi Hương năm Quý Tỵ 1593 đời Vua Lê Thế Tông (1567-1599) và đậu á nguyên [10, 12, 13, 14]. Mẹ ông mừng rỡ, dặn ở lại ôn để năm sau thi Hội [14]. 

Thấy việc đổi họ cho Đào Duy Từ đi thi đã trót lọt, Lưu Minh Phương bèn đòi bà Vũ Thị Kim Chi thực hiện giao ước tái giá về làm vợ mình. Bà Vũ Thị Kim Chi cứ lần chần, chối khéo với lý do con mới thi đậu, mẹ làm vậy sẽ khó coi… Viên Xã trưởng tức giận bèn mang chuyện đó nói với Tri huyện Ngọc Sơn vốn là chỗ thân quen để nhờ áp lực quan trên bắt bà phải thực hiện giao ước. Viên Tri huyện lập tức báo lên trên, khi đó ông đang dự kỳ thi Hội. Bài ông làm hay nhất trường nhưng có bài bàn về cải cách chính trị hơi trái ý Chúa Trịnh Tùng nên quan chủ khảo là Thái phó Nguyễn Hữu Liêu [15] phân vân nên lấy đỗ tiến sỹ hay hạ xuống phó bảng [14]. Giữa lúc đó thì Bộ Lễ truyền xóa tên Vũ Duy Từ, hủy bỏ bài thi, cách tuột á nguyên và lột hết mũ áo đồng thời gửi trát về cho Tri huyện Ngọc Sơn trừng trị những kẻ liên đới [10, 12, 13, 14]. Nghe tin này mẹ Đào Duy Từ phẫn uất tự vẫn. Ông biết tin mẹ mất nhưng không được về chịu tang, lâm bệnh nặng [10, 12, 13, 14]. 

Người chăn trâu làu kinh sử

Lúc còn ở Đàng Ngoài sôi kinh nấu sử Đào Duy Từ thường nói với bạn: “Tôi nghe Chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sỹ, trọng người hiền… Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về HánNgũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời….” [10].

Không rõ ông vào Đàng Trong năm nào. Đầu tiên Đào Duy Từ ở huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hơn một tháng để nghe ngóng tình hình. Sau biết Khám lý Trần Đức Hòa ở Hoài Nhơn là người có mưu trí được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên [16] tin dùng, ông vào Hoài Nhơn, đi ở chăn trâu cho phú hộ tên Lê Phú ở làng Tùng Châu (nay là xã Hoài Hảo, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) [10, 17].

Nghề nghiệp là phương tiện, là mưu sinh hoặc là cứu cánh. Chăn trâu với ông vừa là mưu sinh vừa là phương tiện.

Đào Duy Từ rất cần mẫn, siêng năng. Ngày ngày sáng sớm lùa trâu đi ăn, chập tối mới đánh trâu về, trời nắng cũng như mưa, khiến gia chủ rất vừa lòng, chưa hề có tiếng chê trách [13].

Một hôm Phú hộ mời các nho sỹ hay chữ trong vùng đến nhà dự hội bình văn. Chập tối sau khi tiệc tùng, mọi người còn trà thuốc, bàn chữ nghĩa văn chương thì vừa lúc Đào Duy Từ chăn trâu về. Thấy đám đông khách khứa trò chuyện rôm rả, ông bèn lại gần, đứng ghếch chân lên bậc thềm nhìn, tay vẫn cầm chiếc roi trâu, vai đeo nón lá, lưng quấn khố vải… Chủ nhà ngồi phía trong nhìn thấy cho là vô lễ, giận dữ quát:

– Kẻ chăn trâu kia! Hạng tiểu nhân biết gì mà dám đứng nhìn các quan đây là những bậc danh nho? 

Đào Duy Từ nghe mắng song không tỏ ra sợ hãi mà cười nói một cách thản nhiên: 

– Nho cũng có hạng “nho quân tử”’, hạng “nho tiểu nhân”. Chăn trâu cũng có kẻ “chăn trâu anh hùng”, kẻ “chăn trâu tôi tớ”, cao thấp không giống nhau, hiền ngu không là một. Còn kẻ tiểu nhân tôi chỉ đứng nhìn, có xâm phạm gì đến cái phú quý, sang trọng của các vị đâu mà chủ nhân lại mắng đuổi? 

Mấy người khách nghe kẻ chăn trâu nói lý như vậy thì rất ngạc nhiên, bèn vặn hỏi: 

– Vậy nhà người bảo ai là “nho quân tử”, ai là “nho tiểu nhân” hả? 

Đào Duy Từ chẳng cần nghĩ ngợi, nói luôn một mạch: 

– “Nho quân tử” thì trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu việc đời, trong nhà giữ được đạo cha con, tình nghĩa vợ chồng, anh em, bè bạn, ngoài xã hội thì biết lo việc nước, vỗ yên dân, giúp đời, phò nguy cứu hiểm, để lại sự nghiệp muôn đời. Còn “nho tiểu nhân” thì chỉ là bọn học vẹt, cầu danh cầu lộc, khoe ít chữ nghĩa, coi thường hào kiệt, may được giữ một chức quan nhất thời thì chỉ tìm trăm phương ngàn kế để mưu đồ lợi riêng, làm sâu mọt hại dân đục nước, thật là đáng sợ! 

Đám khách nghe nói đều giật mình kinh ngạc, không ngờ một kẻ chăn trâu mà lý lẽ cứng cỏi làm vậy, bèn tò mò hỏi thêm: 

– Còn “kẻ chăn trâu anh hùng”, kẻ “chăn trâu tôi tớ” nghĩa là sao, nhà ngươi thử nói nghe luôn thể?

Đào Duy Từ ung dung trả lời: 

– “Chăn trâu anh hùng” thì như Ninh Thích phục hưng nước Tề, Điền Đan thu lại thành trì cho nước Yên, Hứa Do cho trâu uống nước ở khe mà biết được hưng vong trị loạn, Bạch Lý Hề chăn dê mà hiểu thấu thời vận thịnh suy. Đó là những kẻ “chăn trâu anh hùng”. Còn những bọn chỉ biết cam phận tôi tớ, chơi bời lêu lổng, khi vui thì reo hô hoán, khi giận thì chửi rủa, đánh đấm, chẳng kể gì thân sơ, làm cha ông phải xấu lây, xóm làng chịu điều oan. Đấy là hạng “chăn trâu tiểu nhân” cả!

Mọi người nghe Đào Duy Từ đối đáp trôi chảy, sách vở tinh thông, nghĩa lý sâu sắc càng thêm kinh ngạc nhìn nhau, rồi đứng cả dậy bước ra mời Đào Duy Từ cùng vào nhà ngồi nhưng ông khiêm tốn và chối từ. Các nho sỹbèn dắt tay Đào Duy Từ lên nhà, ép ngồi vào chiếu trên. 

Phú hộ rất đỗi ngạc nhiên, bèn giục mấy nhà nho hỏi thêm Đào Duy Từ về kiến thức, sách vở cổ kim. Các vị nho học nhất vùng hỏi đến đâu, Đào Duy Từ đều đối đáp trôi chảy đến đó, tỏ ra không có sách nào chưa đọc đến, không có chữ nào không thấu hiểu, khiến cho mọi người phải thất kinh, bái phục sát đất.

Chủ nhà không kém phần sửng sốt, đổi giận làm lành mà rằng: 

– Tài giỏi như thế, sao bấy lâu cứ giấu mặt không cho lão già này biết, để đến nỗi phải chăn trâu và chịu đối xử bạc bẽo theo bọn tôi tớ? Quả lão phu có mắt cũng như không. Có tội lắm! Có tội lắm! 

Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới xem Đào Duy Từ là khách quý, mời ngồi giảng học, đối đãi hết sức trọng vọng [13]. 

Chính Phú hộ tiến cử ông cho người bạn là Khám lý Trần Đức Hòa vào năm Ất Sửu-1625 [11]. Trần Đức Hòa cho gọi Đào Duy Từ đến hỏi chuyện. Thấy mọi chuyện ông đều thông hiểu, liền giữ ông lại và gả con gái là Trần Thị Chính cho [12]. Khi Trần Đức Hòa xem bài Ngọa Long cương vãn của Đào Duy Từ ông liền nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng?” [10].

Thoả chí anh hùng

Trong những ngày tháng lận đận chốn kinh đô vì hoạ đổi họ thi cử Đào Duy Từ đã gặp Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng. Đoan Quận Công bấy giờ đang trấn ở Thuận Hóa, được triệu về Đông Đô bàn việc nước. Nhân dịp Nguyễn Hoàng đến thăm Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó bèn kể chuyện Đào Duy Từ và lấy bài vở của Đào Duy Từ đưa Đoan Quận công xem. Đọc bài của Đào Duy Từ Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng cho việc ở phương Nam của mình nên âm thầm đến nhà trọ giúp đỡ tài chính chạy chữa cho Đào Duy Từ rồi mời ông vào Nam giúp mình [13, 14] nhưng dù sau đó ông đã chuyên tâm đèn sách, ngày đêm không rời khỏi sách binh thư phải đến mấy chục năm sau Đào Duy Từ mới có cơ hội trốn vào Đàng Trong lúc Nguyễn Hoàng đã mất [12, 13]. 

Năm 1627 Trần Đức Hòa đến mừng Chúa Nguyễn Phúc Nguyên vừa đẩy lui quân Trịnh ở cửa Nhật Lệ, dâng bài Ngoạ Long cương vãn và tiến cử Đào Duy Từ [11]. Chúa Sãi cho vời Đào Duy Từ đến, hỏi chuyện thế sự. Đào Duy Từ liền đưa ra sách lược giúp Chúa Sãi trong đó chú trọng năm điểm [12, 14]:

(1) Thống nhất giang sơn: Ông khuyên Chúa Sãi nên nối nghiệp Tiên Vương Nguyễn Hoàng diệt Chúa Trịnh để thống nhất sơn hà.

(2) Mở mang bờ cõi: Đánh chiếm Chiêm Thành để mở mang bờ cõi phương Nam, làm thành một nước rộng lớn hơn Đàng Ngoài của Chúa Trịnh.

(3) Phát triển dân số và dân sinh: Chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang để sản xuất nông nghiệp; trước là có nhiều thóc gạo làm lương thực, sau là có nhiều người để tăng quân số. Giảm bớt sưu thuế cho dân đỡ khổ, nâng cao đời sống của dân, giúp đỡ họ làm ăn cày cấy, buôn bán. Mở nhiều trường học, ra lệnh cho mọi người đều phải đi học, dân có biết chữ mới biết yêu nước thiết tha. Làm được như thế dân không bị áp bức, lại được sống sung túc thì bao giờ cũng tận tâm phò Chúa.

(4) Chỉnh đốn nội trị: Chọn người tài giỏi có công tâm không kể thân sơ ra giúp nước còn những kẻ tham nhũng thì trừng phạt và thải hồi.

(5) Xây dựng quân đội: Muốn cho quân đội hùng hậu phải mộ thêm lính, xây đắp đồn lũy, huấn luyện cho quân lính có tinh thần, có kỷ luật.

Chúa Sãi phục là cao luận, truyền mở tiệc khoản đãi cha con ông, họp quần thần, trao ông chức Nha uý Nội tán, tước Lộc Khê hầu, giao trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính [11, 12, 14].

Để ngăn chặn quân Trịnh, Đào Duy Từ nghiên cứu địa thế Quảng Bình, đề xuất với

Hình 1. Quảng Bình quan, dấu tích luỹ Thầy. Ảnh: Đào Duy An

Chúa Sãi và đốc suất xây ba trường luỹ là Trường Dục năm Canh Ngọ (1630), lũy Động Hải (còn gọi là luỹ Trấn Ninh gồm hai luỹ Đầu Mâu và luỹ Nhật Lệ) năm Tân Mùi 1631 và luỹ Trường Sa (hay còn gọi là Lũy Đồng Hới, học trò ông là Nguyễn Hữu Dật xây) năm Giáp Tuất 1634 [11, 12, 18] mà dân Đàng Trong gọi là luỹ Thầy hay luỹ Đào Duy Từ [18] (Hình 1); đây là là hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến chiến đấu, là công trình thể hiện tư chất, tầm vóc của ông trong nghệ thuật dụng binh và nghệ thuật phòng thủ, góp phần quan trọng giúp các chúa Nguyễn đẩy lùi quân các chúa Trịnh trong 5 cuộc gia tranh sau đó, giữ yên Đàng Trong [12]. Về mặt văn hoá và bản sắc vùng miền, vô tình hệ thống luỹ Thầy ngăn dân Đàng Ngoài Nam tiến, góp phần định hình bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ năm 1630 [19].

 

Hình 2. Đền thờ Đào Duy Từ ở thôn Cự Tài 1, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Đào Duy An 

Để huấn luyện tướng sỹ, ông soạn sách Hổ trướng khu cơ [14] mà nội dung vừa mang tính kế thừa các tri thức quân sự thời trước vừa có những phần phát triển sáng tạo ông [12]; đây là sách về nghệ thuật quân sự duy nhất của người Việt Nam còn nguyên vẹn cho đến ngày nay [10].

Về đạo làm tướng, quan điểm của Đào Duy Từ cũng kế thừa quan điểm của Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi, coi đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm đầu: “Nhân là đức của lòng người. Tướng không đốc lòng nhân thì không thể có kết nhân tâm được… Nghĩa là lẽ phải của việc để cố kết lòng người. Không có nghĩa thì không có lẽ phải. Cho nên tướng tất trước hết phải biết nghĩa. Nghĩa đã rõ thì đốc lòng trung báo ơn nước, xử sự đúng lẽ phải thì duy trì được lòng người…” [12]. Cùng với đức nhân và nghĩa người làm tướng còn phải có đủ sáu đức khác là tín, trí, minh, tài năng, cương dũng và nghiêm minh [12].

Ngoài bài Ngọa Long cương vãn, Nhà lá cột tre và Tư Dung vãn [20], tài văn chương và ứng biến điêu luyện của ông còn thể hiện qua giai thoại giúp Chúa Sãi trả lại sắc phong cho Vua Lê Thần Tông [21] và ông từ chối lời chèo kéo của Chúa Trịnh Tráng [13, 22].

Ông sáng tác tuồng Sơn hậu, điệu múa Song Quang, Nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây du, có công đầu trong phát triển nghệ thuật tuồng Đàng Trong [13], là tác giả nhã nhạc cung đình Huế mà sau này gắn với di sản văn hóa Huế thành di sản văn hóa thế giới [10].

Sắc phong, thờ cúng và dòng dõi

Ông có ít nhất hai vợ; vợ lớn họ Cao có đứa con gái mà ông gả cho Nguyễn Hữu Tiến [23], một tướng tài của các chúa Nguyễn do ông tiến cử; bà nhỏ là con gái Khám lý Trần Đức Hoà.

Ông mất ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất (1634), thọ 63 tuổi; Chúa Sãi rất thương tiếc, tặng là: “Hiệp mưu Đồng đức Công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu”, đưa về an táng ở Tùng Châu; đến đời Gia Long năm thứ 5 ông được tùng tự ở Thái miếu và đến đời Minh Mạng thứ 12 thì được truy phong tước Hoằng Quốc công [11]. Năm 1932 Vua Bảo Đại đã ban sắc tứ phong cho Đào Duy Từ là thành hoàng đình Lạc Giao tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, đình làng đầu tiên của người Kinh lên đây lập nghiệp vào năm 1928.

Lăng ông ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; đền thờ ông ở thôn Cự Tài 1, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Hình 2) còn từ đường ông ở thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hằng năm vào ngày 17 tháng 10 âm lịch con cháu tứ chiếng tụ về thôn Cự Tài 1 để làm giỗ ông.

 

Hình 3. Lăng mộ Đào Tá Hán ở Ninh Bình. Ảnh: Dòng họ Đào Dương Bật (Đào Tiêu) cung cấp.

“Trứng rồng lại nở ra rồng/Liu điu lại nở ra dòng liu điu”, tổ tiên nói thế. Đào Duy Từ cũng không phải là ngoại lệ về dòng dõi. Theo Đào tộc phả Khả Lao* [24] thuỷ tổ ông là Đào Dương Bật (tức Trạng nguyên Đào Tiêu **[25]). Đào Dương Bật có 5 người cháu nội ứng với 5 chi về sau. Đào Duy Từ thuộc dòng chi thứ 5 tức đệ ngũ chi Đào quý công Phúc Thông, lưu cư tại Ninh Bình, về sau một nhánh di cư vào Thanh Hoá, sinh ra Đào Duy Trung là ông nội của Đào Duy Từ. Trước khi vào Đàng Trong Đào Duy Từ đã đưa mộ phần cha mẹ về an táng tại đất dòng tộc ở Ninh Bình (Hình 3).

Lời bạt

Vượt qua nghịch cảnh, ẩn nhẫn chờ thời, nung kinh nấu sử để khi luống tuổi (55 tuổi) cơ duyên đưa đẩy Đào Duy Từ giúp Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vỏn vẹn 8 năm mà định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong.

Công trạng của ông thời nào cũng được đánh giá cao, như nhận định của Triều Nguyễn: “Công nghiệp chói lọi, đứng đầu hàng công thần khai quốc” [11].

Dải đất hình chữ S thời 2015 in đậm dấu ấn một học giả, một chính trị gia, một chiến lược gia, một kiến trúc gia, một kỹ thuật gia [14] và là một nghệ sư tài hoa, đó là Đào Duy Từ-hậu duệ của Trạng nguyên Đào Tiêu [24, 25].

Tài liệu tham khảo

[1] Nhà Hậu Lê. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_Hậu_Lê].

[2] Lê Thánh Tông. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Thánh_Tông].

[3] Đại Việt. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Đại_Việt].

[4] Mạc Đăng Dung. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Mạc_Đăng_Dung].

[5] Nguyễn Kim. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Kim].

[6] Trịnh Kiểm. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Trịnh_Kiểm].

[7] Nguyễn Hoàng. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hoàng].

[8] Đàng Ngoài. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Đàng_Ngoài].

[9] Đàng Trong. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Đàng_Trong].

[10] Đào Duy Từ. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Đào_Duy_Từ].

[11] Phan Khoang. Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777, Hà Nội, Nhà Xuất bản Văn học, 2001: 134-144.

[12] Trương Trung Phương. Những đóng góp của Đào Duy Từ trên lĩnh vực quân sự dưới thời chúa Nguyễn. [http://dostquangbinh.gov.vn/uploads/410qb/danhnhan/38.doc].

[13] Đào Duy Từ (1572-1634). Trong Giai thoại Văn học Việt Nam.  [http://www.vietnamvanhien.net/giaithoaivanhocvietnam.pdf].

[14] Đào Duy Từ. Hổ trướng khu cơ. [https://sachtonghop.files.wordpress.com/2015/01/he1bb95-trc6b0e1bb9bng-khu-cc6a1.pdf].

[15] Nguyễn Hữu Liêu. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hữu_Liêu].

[16] Nguyễn Phúc Nguyên. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Phúc_Nguyên].

[17] Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. Hà Nội, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, 2002: 317.

[18] Luỹ Thầy. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Lũy_Thầy].

[19] Hồ Trung Tú. Có 500 năm như thế: Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử (Tái bản lần thứ ba có sửa chữa & bổ sung). Đà Nẵng, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2015.

[20] Đào Duy Từ. [http://www.thivien.net/Đào-Duy-Từ/author-kvTqGUtpQWihq95pFiSZrA].

[21] Lê Thần Tông. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Thần_Tông].

[22] Trịnh Tráng. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Trịnh_Tráng].

[23] Nguyễn Hữu Tiến. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Hữu_Tiến_(tướng)].

[24] Đào tộc phả Khả Lao: 25 (cụ Đào Danh Chấn soạn 1820, Bản in của Liên chi phái hậu duệ các đại khoa Đào Dương Bật-Đào Toàn Bân-Đào Sư Tích).

[25] Đào Tiêu. [https://vi.wikipedia.org/wiki/Đào_Tiêu].

 

Chú thích

* Theo tộc phả của dòng họ Đào Dương Bật từ Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định,  Thanh Hóa, Bình Định, sử liệu quốc gia và cuốn Họ Đào Việt Nam do Ban Liên lạc họ Đào Việt Nam biên soạn và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2007 thì Đào Duy Từ là nhà kinh bang tế thế, nhà quân sự, nhà văn hoá, khai quốc công thần Triều Nguyễn, là hậu duệ của Tiến sỹ*** Thượng thư Bộ Binh Đào Dương Bật (1254-1315), một bậc khai quốc công thần Triều Trần.

Thủy tổ Đào Dương Bật sinh tại Đông Sơn, Thanh Hoa (nay là nội thành thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá). Năm 1275 phát khoa đậu tiến sỹ, được Vua Trần bổ chức Thượng thư Bộ Binh và ban đất chiêu dân lập ấp xây dựng Hành cung Vũ Lâm**** cho Triều Trần tại Tam Cốc, Văn Lâm, phủ Trường Yên (nay là thôn Đông Trang, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Năm Mậu Tý (1288) ông cùng Tiết chế Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Mông-Nguyên trên sông Bạch Đằng lần thứ 3. Sau đó Thuỷ tổ đã cùng vua tôi Nhà Trần tu hành tại Ninh Bình.

Thủy tổ có một người con trai sinh ra 5 người cháu nội phát triển thành 5 chi tộc:

– Đệ nhất chi là cụ Huyền Chương lưu cư tại Đông Trang, Ninh Bình.

– Đệ nhị chi là cụ Võ Tâm đi sứ Trung Hoa bất hồi bản quán.

– Đệ tam chi là cụ Võ Ý chuyển cư lên Song Khê, Yên Dũng, Bắc Giang, có các hậu duệ là Tiến sỹ quan Phủ Thiên Trường, Thượng thư Bộ Lễ Đào Toàn Bân, Trạng nguyên- Nhập nội hành khiển Đào Sư Tích
– Đệ tứ chi là cụ Đức Hạnh lưu cư tại Ninh Bình, có 4 hậu duệ là quận công, 7 tước hầu mà trong đó có Đào Sỹ Từ cùng với cựu thần Nhà Lê đưa Lê Trang Tông lên ngôi vương năm 1532 do biến cố Lê – Mạc.
– Đệ ngũ chi là cụ Phúc Thông, là chi Đào Duy, hậu duệ là Đức tổ Đào Duy Từ.

** Trong nhiều chuyến điều tra điền dã Thanh Hoá mà chuyến gần nhất là năm 2015, hậu duệ Thuỷ tổ Đào Dương Bật cùng giới sử học Việt Nam xác nhận Tiến sỹ Đào Dương Bật chính là Trạng nguyên Đào Tiêu.

*** Về danh xưng tiến sỹ và trạng nguyên khoa thi 1275 xem thêm tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Khoa_bảng_Việt_Nam

**** https://vi.wikipedia.org/wiki/Hành_cung_Vũ_Lâm