Cầu ngói
Cho người tôi yêu, mẹ của các con tôi
Hải Anh 2/3/2007;
Đồng Diều 10/4/2007;
Đào Duy An
– Đây là Quần Anh nhé!
– Sao anh trêu em thế, chả nhẽ quần em?
Giọng Nam Định đã ngấm hương cà phê Buôn Ma Thuột tròm trèm 30 năm luyến ái chi đến lạ (vì vậy mà thành ‘’cái xương sườn thứ 13’’ của tôi). Yêu nhau 18 năm rồi mới háo hức về nơi ngày xưa nàng sinh ra, nơi bàn chân con bì bõm nước mỗi chiều về khỏa nhánh sông Ninh Cơ chảy ngang hông xã.
Đồng quê Bắc Bộ đẹp mê hồn: Xanh ngút ngàn, đường tươi màu hoa và thẳng tắp bê tông.
– Nàng ơi, cầu ngói kìa. Tôi reo lên háo hức.
– Cầu ngói Quần Anh đấy; à mà không, bây giờ là Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định. Ngày xưa mỗi lần đi học, em hay chạy ào qua làm rung từng tấm ván.
– Ôi đẹp quá!
Tôi cho xe dừng lại, ngắm. Diễm phúc tôi đã biết cầu ngói Thanh Toàn trong câu ca ‘’Ai về cầu ngói Thanh Toàn’’ của Huế, đã sờ hình tượng chú khỉ và chó ở cầu Chùa phố cổ Hội An. Mỗi cầu một vẻ. Còn đây, cây cầu quê ngoại con tôi đã 500 năm, nơi ngày thơ nàng tung tăng. Tôi mơ một ngày nào con gái tôi cũng tung tăng và reo lên như ba nó hôm nay trên mảnh đất quê ngoại. Vậy mà, nàng đâu nói cho tôi biết và chúng tôi đang đứng trên đất mà cụ tổ Trần Vu (hậu duệ thứ 13 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) mở cõi cùng các dòng tiền hiền Nguyễn, Hoàng và Phạm từ 1461.
– Về thôi anh! Các bác, các cô đang mong đấy. Em kéo giật tôi về hiện tại. Đất nước mình đẹp quá! Không biết những người con Hải Anh đi xa có còn kịp nhớ cầu ngói, có còn nghe mùi cơm gạo Tám xoang thăm lừng khắp chốn và các chàng có còn thòm thèm cuốc rượu Quần Anh không? Tôi là rể nhưng mọc sâu sử Việt, tôi yêu ‘’cả đường đi lối về’’.
Mai này tôi có con gái giống ngày thơ của nàng, thật tuyệt!
Bài viết liên quan:
Giá trị của kí lịch sử “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”
“Thương nhớ ngàn xưa”, kí tình yêu & hôn nhân của Bác sĩ gia đình, Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An
Điểm biên khảo “Ngày ấy Kon Tum”
Lan man “Ngày Sách 2021”
Cô đơn
Gia Định hoài niệm