Gia Định hoài niệm
1. Xuất nguồn tên gọi.
Chắc không ít người nghe “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” khi nói về xứ miền Nam nắng ấm quanh năm này.
Tên gọi Gia Định có từ khi nào thì không thấy đề cập nhưng chí ít là vào đời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687).
Gia Định xưa gồm cả miền Nam bấy giờ.
Sau đó, Gia Định là tên trấn thành Gia Định, kế là tên tỉnh Gia Định trong Nam Kỳ lục tỉnh thời Nhà Nguyễn, tiếp đến là tỉnh Gia Định trước 1975 để rồi sau đó tiếp biến vào một địa danh mới.
2. Nhân vật Gia Định.
Nguyễn Hữu Cảnh (1650–1700). Ông là thống suất, khai sinh Sài Gòn bây giờ. Phần lớn địa danh Sài Gòn-Gia Định bây giờ là do ông đặt tên khi lấy địa danh Quảng Bình (nơi ông sinh ra) để áp cho vùng đất mới.
Lê Văn Duyệt (1764-1832): Ông sinh ra tại Tiền Giang, ông nội là người Quảng Ngãi. Ông giúp Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn. Cuộc đời ông nổi bật đức chính trực dù có tì vết riêng tư. Ông là nhân vật đặc biệt vì ái nam ái nữ nhưng tài quân sự và chính trị thì kiệt xuất. Đất Quảng Ngãi nhờ ông dẹp loạn Thượng Đá Vách và sai đắp lại Trường Lũy vốn có từ thời Bùi Tá Hán mà yên. Đất Gia Định (cả miền Nam bây giờ) nhờ ông làm tổng trấn hai lần 15 năm mà phồn thịnh. Đất An Giang nhờ ông sai đào kênh Vĩnh Tế mà phát và vững. Ông là vị anh hùng, là ân nhân chí ít trong lòng dân Nam Bộ, Trung Bộ và đặc biệt là dân Quảng Ngãi, Tiền Giang và An Giang.
Nguyễn Văn Thoại (1761-1829). Ông là người trực tiếp chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế.
Lê Quang Định (1759–1813). Ông là tác giả bộ “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí ”- bộ địa chí đầu tiên của Nhà Nguyễn.
Ngô Nhân Tịnh (1761–1813). Ông cùng Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức, sáng lập “Bình Dương thi xã” nổi một thời.
Trịnh Hoài Đức (1765–1825). Ông là tác giả cuốn “Gia Định thành thông chí”. Ông từng là tổng trấn Gia Định thành.
Phan Thanh Giản (1796–1867). Ông là người khai khoa học thuật cho xứ Gia Định. Ông khí khái, trọng tiết nghĩa và trách nhiệm.
Trương Định (1820 – 1864): Vốn người Quảng Ngãi nhưng thành danh ở miền Nam. Có thể coi ông là người thể hiện khí phách Quảng Ngãi khi trả lời Phan Thanh Giản về việc bãi binh chống Pháp: “Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm…”; sau phát ngôn đó ông tiếp tục chống Pháp và được dân miền Tây tôn là Bình Tây Đại nguyên soái.
Tứ đại thương gia. Ngoài những nhân vật lịch sử thì làm nổi địa danh Gia Định chính là cư dân Gia Định một nắng hai sương-những người thầm lặng tô đắp vẻ đẹp non sông và nổi bật là 4 thương gia vang bóng một thời. Bốn thương gia nức tiếng như truyền tụng “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” đó là: Lê Phát Đạt (1841–1900), Đỗ Hữu Phương (1844–1914), Lý Tường Quang (1842-1896) và Trần Hữu Định hoặc Hui Bon Hoa (1845-1901).
…
3. Hoài niệm địa danh.
Gia Định một thời nên nổi nay chỉ còn lưu tại một số tên sau:
“Gia” trong niên hiệu của Vua Gia Long (ghép Gia Định và Thăng Long).
“Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng 1820-1825.
Bệnh viện Gia Định.
Công ty Cấp nước Gia Định.
Công viên Gia Định.
Trường Đại học Gia Định.
“Sông xưa rày đã lên đồng”*, vật đổi sao dời, âu việc đổi/thay tên cũng là lẽ vô thường và là hoài niệm của ai tương tư xứ nắng nóng này.
Ghi chú:
1. Ảnh: Cái tên “Gia Định” còn sót lại tại ngã ba Phan Đăng Lưu-Đinh Tiên Hoàng, Bình Thạnh.
2. * Sông Lấp, Tế Xương.
Bài viết liên quan:
Giá trị của kí lịch sử “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”
“Thương nhớ ngàn xưa”, kí tình yêu & hôn nhân của Bác sĩ gia đình, Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An
Điểm biên khảo “Ngày ấy Kon Tum”
Lan man “Ngày Sách 2021”
Cô đơn
Mùa xuân Canh Tý: Phẩm tiết Việt nữ