Giá trị của kí lịch sử “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”

Thư viện Sông Trà, 12/8/2024; Hà Lê Sa, Quản thư.

Là Quản thư, tôi hay đọc.

Là Quản thư Thư viện Sông Trà thì tôi phải đọc sách của chủ Thư viện này.

Một sáng, chủ Thư viện đưa tôi cuốn sách vừa in: Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈, NXB Đà Nẵng, 2024, Đào Duy An.

Đập vào mắt là trang bìa thiết kế tên, màu và cảnh đúng là lần dấu người xưa: tên Đào Duy Từ viết kèm chữ Nho mà bây giờ là Trung văn phồn thể; màu xanh rêu nêu bật tính rêu phong, ám chỉ màu thời gian và ảnh Võ Thắng quan, một đoạn di tích lũy Thầy tại Quảng Bình còn đến ngày nay do chính tác giả, Bác sĩ gia đình và là Thạc sĩ nội khoa Đào Duy An chụp.

1. Nội dung

Sách in màu, 116 trang khổ 14,5×20,5 cm, gồm 5 phần: 1) Dẫu cho có cánh khó qua lũy Thầy; 2) Khi chén rượu, khi cuộc cờ; 3) Trèo lên cây bưởi hái hoa; 4) Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo và 5) Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈.

Mỗi phần là một mảng của lần dấu:

Phần 1. Tác giả lần dấu về lũy Thầy, công trình quân sự để đời của Đào Duy Từ. Tác giả về tận lũy Thầy, lục tìm cứ liệu liên quan về lũy Thầy như chứng nhân lịch sử, người viết về lũy Thầy, vai trò của lũy Thầy trong lịch sử. Tác giả tìm được bản đồ xa xưa có địa danh lũy Thầy như bản đồ năm 1651 (trang 16) và năm 1838 (trang 17). Điểm đặc biệt, tại trang 13, tác giả dẫn chữ Quốc ngữ sơ khai về cửa Sài là rất thú vị. Về chữ Quốc ngữ sơ khai thì nhiều tác giả viết nhưng dẫn chữ cửa Sài như thế thì có lẽ lần đầu xuất hiện trong sách Việt ngữ “Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈”.

Phần 2. Tác giả lần dấu về tài năng chính trị và tầm chiến lược của Đào Duy Từ. Trang 29, tác giả viết: “Theo năm sách lược của Đào Duy Từ, các chúa Nguyễn đời sau đã mở mang bờ cõi, phát triển Đàng Trong mà bước ngoặt là năm 1757 thì dải đất hình chữ S định hình”. Lật sang trang 30, độc giả sẽ rõ mồn một quá trình hình thành dải chữ S mà điểm kết thúc là năm 1757. Có lẽ tấm họa đồ ấy chưa xuất hiện trong sách nào trước đó.

Phần 3. Tác giả lần dấu về tài văn chương, nghệ thuật cũng như ảnh hưởng văn hóa Việt từ năm 1627 của Đào Duy Từ.

Phần 4. Tác giả lần dấu về đền thờ, lăng và từ đường Đào Duy Từ cũng như nhầm lẫn lịch sử.

Phần 5. Tác giả lần dấu về những nơi từng in đậm dấu chân Đào Duy Từ như quê hương, trú quán, nơi làm quan. Tác giả đã có hai đợt về tận từng nơi còn vướng vất hơi thở của Đào Duy Từ. Lưu ý, tác giả đang hành nghề y nhưng vẫn dành thời gian thực địa. Những bức ảnh trong kí lịch sử là tác giả chụp trong 20 năm, kể từ bức ảnh Quảng Bình quan (trang 8) đến bức ảnh đền thờ Đào Duy Từ tại Thanh Hóa (trang 101).

2. Truy lục cứ liệu

Tác giả lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈 qua sách in, sách quét (scanning) và các cứ liệu trong lẫn ngoài nước lưu trữ tại các thư viện cũng như những trang web lịch sử và văn hóa bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Ý, Hy Lạp kể cả sưu tầm của các phóng viên và cá nhân liên quan Đào Duy Từ.

Ví dụ về công phu truy lục cứ liệu là Dịch giả Thanh Thư khi dịch ghi chép của Linh mục Borri năm 1631 thì dựa vào bản dịch tiếng Pháp năm 1931, xuất bản tên “Xứ Đàng Trong”, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2019 còn tác giả đọc thẳng bản tiếng Ý của chính Linh mục xuất bản năm 1631, cuốn “Relatione            della     nuova   missione delli pp. della Compagnia di Giesù, al regno della Cocincina”, nguồn tại https://play.google.com/books/reader?id=tvzywvHsJUwC&pg=GBS.PP4&hl=vi (trang 55).

Một ví dụ và cũng là thú vị nữa là tác giả tìm được chữ Quốc ngữ sơ khai của hai địa danh Đàng Ngoài và Đàng Trong (trang 10). Xuất xứ hai địa danh này chưa được người Việt chú truy.

Chỉ có 116 trang nhưng tác giả chú giải chi tiết 150 lần. Đọc những chú giải ấy, độc giả sẽ thấm rõ lịch sử mở đất và giữ đất của tiền nhân.

3. Đóng góp lịch sử

Có thể nói, tác giả đã gom rất nhiều sách sử về một nhân vật lịch sử và giai đoạn Việt sử 400 năm trước trong kí lịch sử mỏng này.

Tác giả chỉ ra những nhầm lẫn lịch sử như người giải câu đối mâm đồng của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên không phải là Thái phó Phùng Khắc Khoan (trang 36), Lê Thì Hiến không phải là bạn vong niên của Đào Duy Từ như giai thoại lâu nay (trang 86).

Nổi trội và điển hình cho phân định lịch sử là tác giả chứng minh được Khám lí Trần Đức Hòa, cha vợ Đào Duy Từ, không phải Tuần phủ Quy Nhơn năm 1618. Trang 56 viết: “Đối chiếu tộc phả Trần Đức Hòa tại Bình Định và sử liệu, rõ ràng Khám lí Trần Đức Hòa và Tuần phủ Quy Nhơn là hai nhân vật lịch sử khác nhau hoàn toàn”. Để lội ngược lịch sử này, tác giả đã đọc các cứ liệu bằng tiếng Ý và Pháp của các linh mục đương thời với Đào Duy Từ viết về nước Việt, đọc Việt sử của chính Đàng Ngoài viết ngay lúc Trịnh – Nguyễn đang phân tranh, đọc luận án sử học của tác giả nước ngoài… Sự nhầm lẫn lịch sử này tai hại đến mức khá nhiều người Việt trên thế giới đều cho rằng Khám lí Trần Đức Hòa là người có công với chữ Quốc ngữ sơ khai mà quên đi công ơn của Tuần phủ Quy Nhơn năm 1618 và theo đó là của gia đình Tuần phủ sau khi Tuần phủ qua đời năm 1619 đối với Công giáo Quy Nhơn cũng như chữ Quốc ngữ buổi ban đầu. Ví dụ, chính Văn sĩ Thụy Khuê, người Việt sống tại Pháp từ thời trẻ, mới đây cũng gắn Khám lí Trần Đức Hòa cho Tuần phủ Quy Nhơn năm 1618: http://thuykhue.free.fr/TruyenGiao-QuocNgu/Ch03-Borri3.html.

Người Việt có truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhưng dẫn chứng nhầm lẫn này lại ngược truyền thống ấy mà minh chứng cho sự “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trớ trêu lịch sử này được dựng thành bia, được viết thành sách và phát tán qua báo giấy cũng như báo mạng ít nhất là từ năm 2011:

https://thanhnien.vn/cong-trang-cong-quan-cong-tran-duc-hoa-ky-3-theo-dau-nguoi-xua-185177047.htm

Trớ trêu lịch sử này gây hệ lụy lịch sử. Đã đến lúc “… của Caesartrả về Caesar…” (render to Caesar the things that are Caesar ‘s…) https://www.bibleref.com/Matthew/22/Matthew-22-21.html#:~:text=Jesus%20now%20gives%20a%20masterful,challenge%20as%20a%20false%20dilemma

Khép lại kí lịch sử, nhìn bìa 4 mới thấy tác giả lần dấu kĩ càng. Ảnh bìa 4 là từ đường Đào Duy Từ mà chính Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam đăng. Hỏi chỗ đó nay là gì?

Có đọc và suy ngẫm thì mới thấy kì công của tác giả khi kí lịch sử Lần dấu người xưa Đào Duy Từ – 陶維慈.