Miền núi Ấn sông Trà

Lược sử.

Quảng Ngãi là một tỉnh thuộc trung Trung Bộ, một bên là dải Trường Sơn còn bên kia là biển Đông, có diện tích 5.153 km2 và dân số 1.3 triệu người.

Quảng Ngãi có huyện đảo Lý Sơn, nơi mà từ thời các chúa Nguyễn đã có các đội Hoàng Sa và Bắc Hải khai thác và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy có thể coi Quảng Ngãi là nơi lưu giữ ký ức người Việt về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước Việt.

Tên gọi Quảng Ngãi bắt đầu 1602 mà ban đầu gọi là Quảng Nghĩa.

Năm 1832 lập tỉnh Quảng Ngãi.

Tại sao “Quảng Nghĩa” ban đầu thành “Quảng Ngãi” hiện nay? Từ năm 1832 về sau Quảng Nghĩa đã đọc chệch là Quảng Ngãi vì kỵ tên thụy của Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc Thái).

Nguồn gốc cư dân.

Cư dân ban đầu tại Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung là người Việt cổ, họ là tổ tiên của người Chàm và các tộc người bản địa tại Quảng Ngãi, là chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Người Kinh (nói chung là người Việt dưới các triều quân chủ chuyên chế Việt Nam) định cư sớm nhất tại Quảng Ngãi có lẽ là bắt đầu từ 1402, theo chân tướng Đỗ Mãn dưới Triều Hồ Hán Thương mà cư dân xuất phát từ xứ Thanh và Nghệ (vùng Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay); sau đó là các cuộc di dân lớn 1471, 1545 và 1648 từ Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình mà phần lớn là thân tộc binh lính, tù binh và tội phạm lưu đày.

Người Kinh cộng cư với người bản địa là Chàm, Hre, Co và Xê Đăng.

Người Quảng Ngãi cứng cỏi, co cượng, nổi tiếng với truyền tụng “Quảng Ngãi hay co” (co cượng, lý sự, ưa tìm sự thật và cần biết sự lý).

Danh lam thắng cảnh.

Núi Thiên Ấn. Núi cao 106 m, hình giống cái ấn, nằm tả ngạn sông Trà, người xưa gọi là cảnh Thiên Ấn niêm hà. Năm 1830 núi được khắc vào dinh tự, năm 1850 Vua Tự Đức liệt núi vào hàng danh sơn của đất nước và ghi vào tự điển. Trên núi có chùa Thiên Ấn vốn từ 1694, đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716, Vua Lê Dụ Tông ban sắc phong năm 1727. Núi nay thuộc xã Tịnh Ấn,TP Quảng Ngãi.

Sông Trà. Sông bắt nguồn từ Kon Tum, dài 150 km, vắt ngang TP Quảng Ngãi.

“Núi Ấn sông Trà” là biểu tượng của người Quảng Ngãi. 

Đặc sản. Đặc sản nổi bật và tượng trưng là cá bống sông Trà, don và đường phèn.

Người nổi tiếng.

Bùi Tá Hán (1496-1568): Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán là quan Triều Hậu Lê nhậm chức trấn thủ thừa tuyên Quảng Nam (nay là địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định). Ông bình định và hộ dân vùng này. Ông mất tại Quảng Ngãi. Lăng mộ ông hiện thuộc nội thành TP Quảng Ngãi. Năm 2018 là tròn 450 năm ngày ông mất.

Lê Văn Duyệt (1764-1832): Ông sinh ra tại Tiền Giang, ông nội là người Quảng Ngãi. Ông giúp Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn. Cuộc đời ông nổi bật đức chính trực dù có tì vết riêng tư. Ông là nhân vật đặc biệt vì ái nam ái nữ nhưng tài quân sự và chính trị thì kiệt xuất. Đất Quảng Ngãi nhờ ông dẹp loạn Thượng Đá Vách và sai đắp lại Trường Lũy vốn có từ thời Bùi Tá Hán mà yên. Đất Gia Định (cả miền Nam bây giờ) nhờ ông làm tổng trấn hai lần 15 năm mà phồn thịnh. Đất An Giang nhờ ông sai đào kênh Vĩnh Tế mà phát và vững. Ông là vị anh hùng, là ân nhân chí ít trong lòng dân Nam Bộ, Trung Bộ và đặc biệt là dân Quảng Ngãi, Tiền Giang và An Giang.

Trương Định (1820 – 1864): Vốn người Quảng Ngãi nhưng thành danh ở miền Nam. Có thể coi ông là người thể hiện khí phách Quảng Ngãi khi trả lời Phan Thanh Giản về việc bãi binh chống Pháp: “Triều đình nghị hòa thì cứ nghị hòa còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm…”; sau phát ngôn đó ông tiếp tục chống Pháp và được dân miền Tây tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái.

Tác phẩm văn học nổi tiếng:

“Non nước xứ Quảng” do Phạm Trung Việt (1926-2008), quê Sơn Tịnh, viết năm 1962, là biên khảo về Quảng Ngãi.

 “Tuấn, chàng trai nước Việt”, do Nguyễn Vỹ (1912 – 1971), quê Đức Phổ, viết năm 1970, là trần thuật về nước Việt nửa đầu thế kỷ XX. 

 

Quảng Ngãi là một đoạn của khúc ruột miền Trung; tha nhân chỉ cần nhớ chừng ấy thì coi như đã hiểu về miền núi Ấn sông Trà vậy.